Làm thế nào để một người tiêu dùng biết được họ nên mua sản phẩm vi xử lý nào cho máy vi tính của mình? Trong khi đã bỏ ra hàng tỷ đô la vào mảng quảng cáo, Intel và AMD lại dành quá ít thời gian để lý giải cho những cái tên như "Core i7-3770" hay "FX-8350" nghĩa là gì.
Giúp người dùng hiểu được sức mạnh của từng vi xử lý qua tên gọi là một công việc khó khăn. Intel và AMD đã cố gắng hết sức để làm được điều này, thông qua các tên gọi có nghĩa, được xây dựng từ các chuỗi "mật mã". Thực tế, mỗi phần của những cái tên như "Core i7-3770" đều nói lên những đặc tính của sản phẩm.
Tuy nhiên Intel và AMD lại không dành nhiều thời gian và công sức để giải thích những điều này cho người dùng thông thường. Thậm chí, rất nhiều cửa hàng bán lẻ còn không giải thích được về tên gọi cho các sản phẩm vi xử lý của 2 ông lớn này. Hãy cùng điểm qua các dòng vi xử lý nổi bật nhất hiện tại để "bật mí" bí mật của Intel và AMD.
Dòng sản phẩm FX của AMD
Trước hết, hãy cùng đến với dòng vi xử lý mạnh mẽ nhất của AMD: FX-Series.
Dòng FX-Series của AMD chỉ có mặt trên máy vi tính để bàn. Để hiểu được cách đặt tên của AMD, hãy lấy cái tên "FX-8350" làm ví dụ.
Kí tự đầu tiên sau tên dòng sản phẩm ("FX") chỉ số series, tương ứng với số nhân của vi xử lý. Do đó, FX-8350 có 8 nhân. Tương tự như vậy, FX-4100 sẽ có 4 nhân.
Kí tự thứ 2 được dùng để chỉ "đời" của sản phẩm: chữ số này càng lớn thì vi xử lý càng tân tiến. FX-8350 thuộc về thế hệ FX thứ 3 của AMD. Như vậy, FX-8350 ra mắt sau FX-8100 tới 2 thế hệ.
2 chữ số cuối cùng được dùng để chỉ số hiệu sản phẩm. Thông thường, các vi xử lý có số hiệu lớn hơn sẽ có xung nhịp nhanh hơn. Điều này có nghĩa rằng dù cùng có 8 nhân, cùng thuộc về thế hệ FX thứ 3 nhưng FX-8350 sẽ nhanh hơn FX-8300.
Các vi xử lý dòng FX-Series không mang thương hiệu AMD Fusion, và do đó không có đồ họa tích hợp. Máy vi tính chạy vi xử lý FX sẽ cần card đồ họa rời, song lại rất dễ ép xung.
Các dòng A-Series, E-Series và C-Series của AMD
Dòng sản phẩm phổ biến nhất của AMD được gọi là "APU" thay vì "CPU", bao gồm cả vi xử lý (CPU) và đồ họa tích hợp mang thương hiệu Radeon. Cả 3 dòng sản phẩm này đều có nguyên tắc đặt tên khác hẳn so với dòng FX.
Trước hết là ý nghĩa về tên từng dòng sản phẩm. Các vi xử lý AMD thuộc dòng E-Series và C-Series thường chỉ có 1 hoặc 2 nhân và được sử dụng trên các thiết bị ít tiền, có sức mạnh thấp như netbook và tablet.
Các sản phẩm dòng A-Series được dành cho laptop và máy vi tính để bàn, trong đó vi xử lý dòng A4 có 2 nhân. Phần lớn các vi xử lý dòng A6 có 4 nhân, song một số model trong dòng sản phẩm này chỉ có 2 hoặc 3 nhân. Do đó, khi tìm mua sản phẩm A6, bạn sẽ phải xem kĩ thông tin về dòng sản phẩm này. Vi xử lý dòng A8, A10 đều có 4 nhân.
Hãy thử lấy ví dụ về dòng sản phẩm A8-5600K.
Con số đầu tiên sau dấu gạch ngang là thế hệ của sản phẩm, do đó A8-5600K thuộc về thế hệ A8 thứ 5. Dòng sản phẩm thuộc các thế hệ sau sẽ mạnh mẽ hơn các thế hệ trước, song với AMD bạn chỉ có thể so sánh thế hệ các vi xử lý laptop với các vi xử lý laptop khác (không thể so sánh với vi xử lý máy để bàn). Bạn cũng chỉ có thể so sánh vi xử lý máy để bàn (desktop) với các vi xử lý desktop khác. Lý do là đôi khi 1 dòng vi xử lý trên laptop của AMD sẽ có số hiệu thế hệ khác với vi xử lý desktop cùng một loại kiến trúc.
Sau số hiệu thế hệ sản phẩm là tên của model. Cùng một thế hệ, vi xử lý nào có số hiệu model cao hơn thì sẽ mạnh mẽ hơn. Do đó, A8-5600K sẽ nhanh hơn A8-5500.
Cuối cùng là chữ cái cho biết những tính năng đặc biệt của vi xử lý. Vi xử lý dành cho laptop sẽ có đuôi "M", ví dụ như A8-5550M là một vi xử lý dành cho laptop. Vi xử lý có ký hiệu "K" cho phép mở nhân một cách dễ dàng để ép xung (overclock). Các vi xử lý thông thường dành cho máy để bàn như A8-5500 sẽ không có ký hiệu nào ở cuối cả.
Như vậy, tên gọi AMD A8-5600K cho biết đây là một vi xử lý 4 nhân, cho phép dễ dàng ép xung thuộc về thế hệ vi xử lý thứ 5 của AMD.
Đồ họa tích hợp của A-Series và E-Series
Sở dĩ các vi xử lý thuộc dòng A-Series và E-Series được mang thương hiệu Fusion của AMD là do chúng có đồ họa tích hợp. Tất cả các card đồ họa dành cho người dùng phổ thông của AMD đều được mang thương hiệu Radeon HD. Các card đồ họa rời dành cho doanh nghiệp, người dùng chuyên về đồ họa… của AMD mang các thương hiệu khác, song tất cả các card đồ họa tích hợp đều mang thương hiệu Radeon HD.
Để biết được vi xử lý nào có đồ họa tích hợp, bạn sẽ phải tra cứu thông tin trên trang chủ của AMD. Tuy vậy, khi biết được mã hiệu của các card đồ họa này, bạn có thể biết được thế hệ và sức mạnh tương đối của chúng.
Hãy thử lấy card đồ họa Radeon HD 7560D được tích hợp trong vi xử lý AMD A8-5600K để phân tích.
Chữ số đầu tiên dùng để chỉ thế hệ Radeon HD mà dòng vi xử lý này thuộc về. Như vậy, Radeon HD 7560D thuộc về thế hệ Radeon HD thứ 7. 3 chữ số tiếp theo cho biết số model của sản phẩm. Sản phẩm có số model càng lớn thì càng mạnh.
Cuối cùng là chữ cái ở cuối tên của sản phẩm. Chữ "G" được dùng để chỉ đồ họa tích hợp cho laptop, trong khi chữ "D" được dùng để chỉ đồ họa tích hợp trên máy để bàn.
Các sản phẩm card đồ họa rời dành cho laptop và máy để bàn dành cho desktop và máy để bàn của AMD cũng có cùng một nguyên tắc đặt tên. Ví dụ, card màn hình Radeon HD 5650M sẽ thuộc thế hệ Radeon HD dành cho laptop thứ 5 (chữ "M" ở cuối để chỉ card đồ họa rời cho laptop) và có sức mạnh kém hơn so với HD 5670M.
Lưu ý rằng bạn không thể so sánh các card đồ họa rời trên desktop với card đồ họa rời trên laptop hay với card đồ họa tích hợp dựa trên số hiệu model của chúng. Lý do là ngay cả khi có cùng số hiệu, đồ họa tích hợp sẽ yếu hơn đồ họa rời trên laptop, và đồ họa rời trên laptop sẽ kém hơn đồ họa tích hợp trên desktop. Ví dụ, Radeon HD7560D tích hợp trên vi xử lý A8-5600K chỉ có sức mạnh ngang bằng với card đồ họa rời Radeon HD 7470M trên laptop.
Intel Celeron và Pentium
Hiện tại, Intel có 3 dòng sản phẩm vi xử lý. 2 trong số này, Pentium và Celeron, được dành cho người dùng có kinh phí hạn hẹp. Celeron có giá rẻ hơn Pentium và cũng có hiệu năng kém hơn rất nhiều.
Rất tiếc, Intel có vẻ đang nghĩ rằng người dùng mua vi xử lý Pentium và Celeron hoàn toàn không quan tâm tới sức mạnh của vi xử lý. Intel đang sử dụng các tên sản phẩm khá… vô nghĩa cho 2 dòng sản phẩm Pentium và Celeron.
Thử lấy tên gọi Pentium G860T làm ví dụ. Phần có nghĩa duy nhất trong tên sản phẩm là chữ T nằm ở cuối tên sản phẩm.
Các vi xử lý Pentium và Celeron có chữ T ở cuối tên bao giờ cũng có điện năng sử dụng thấp hơn nhiều (và do đó tỏa ra ít nhiệt hơn) so với các vi xử lý cùng tên nhưng không có chữ T. Ví dụ, Pentium G860 có điện năng tiêu thụ là 65W, trong khi Pentium G860T có điện năng tiêu thụ chỉ là 35W. Vi xử lý Pentium hoặc Celeron có chữ U ở cuối tên sản phẩm luôn luôn chậm hơn và đắt hơn các vi xử lý có cùng tên.
Vậy, làm thế nào để biết được sức mạnh tương đối của vi xử lý dòng Pentium và Celeron? Có vẻ bạn sẽ phải xem bảng so sánh vi xử lý của Intel.
Cuối cùng, vi xử lý Celeron và Pentium không có tính năng Turbo Boost (cho phép tự động tăng xung nhịp vi xử lý khi cần thiết) như vi xử lý dòng Core. Ngoại trừ các vi xử lý Pentium đơn nhân ra mắt cách đây… vài năm, không có sản phẩm Pentium và Celeron nào hỗ trợ công nghệ đa luồng Hyper Threading cả.
Intel Core
Thật may mắn, tên gọi các vi xử lý mang thương hiệu Core của Intel, vốn có mặt đông đảo trên thị trường lại chứa rất nhiều thông tin hữu ích.
Hiện nay, có 3 dòng sản phẩm mang thương hiệu Core: i3, i5 và i7.
Tất cả các vi xử lý dòng Core i3 đều có 2 nhân, bất kể là trên laptop hay máy để bàn. Vi xử lý Core i3 không hỗ trợ công nghệ đa luồng Hyper Threading, song lại có công nghệ Turbo Boost cho phép tự động ép xung vi xử lý khi chạy tác vụ nặng.
Core i5 là một dòng sản phẩm trung cấp. Giữa Core i5 trên desktop và Core i5 trên laptop có nhiều sự khác biệt: Core i5 trên desktop phần lớn đều có 4 nhân (chỉ một số ít có 2 nhân) và đều có công nghệ Turbo Boost, song lại không có Hyper Threading. Core i5 trên laptop chỉ có 2 nhân (không có model nào có 4 nhân), song tất cả đều có cả 2 công nghệ Turbo Boost và Hyper Threading.
Tất cả các sản phẩm Core i7 đều có cả 2 công nghệ Turbo Boost và Hyper Threading. Core i7 trên desktop có 4 hoặc 6 nhân. Core i7 trên laptop có thể có 2 hoặc 4 nhân. Các vi xử lý Core i7 trên laptop có lõi tứ được kí hiệu bởi 2 chữ cái QM từ thế hệ đầu tới thế hệ thứ 3; MQ hoặc QM ở cuối trên thế hệ mới nhất, Haswell.
Hãy thử lấy ví dụ về sản phẩm Core i5-3570K. Core i5 là tên của dòng sản phẩm. Chữ cái đầu tiên sau dấu gạch ngang là thế hệ của sản phẩm: i5-3570K thuộc về thế hệ Core thứ 3, Ivy Bridge. Cần lưu ý rằng mã hiệu của thế hệ Core đầu tiên chỉ có 3 chữ số, không có chữ số chỉ thế hệ: ví dụ, Core i5-750 và Core i7-920 đều thuộc về thế hệ Core thứ nhất.
Tiếp theo là số hiệu của sản phẩm. Số hiệu càng lớn thì tốc độ xử lý càng nhanh.
Phần quan trọng nhất trong tên sản phẩm Core là chữ cái ở cuối. Trên desktop, chữ cái "K" cho biết bạn có thể dễ dàng mở khóa nhân của sản phẩm để ép xung. Chữ "S" và "T" được dùng để chỉ các model sử dụng rất ít điện năng ("S" được dùng cho Core thế hệ thứ 2, Sandy Bridge; "T" được dùng cho thế hệ thứ 3, Ivy Bridge). Cuối cùng, chữ cái "R" chỉ được sử dụng trên vi xử lý thuộc thế hệ mới nhất (Haswell), cho biết sản phẩm có đồ họa Iris Pro tích hợp.
Các model vi xử lý thông thường dành cho laptop đều có chữ cái "M" ở cuối. Các phiên bản sử dụng điện năng thấp sẽ có chữ cái "U" hoặc "Y" ở cuối. Trên thế hệ đầu tiên, các phiên bản Core tiết kiệm điện năng sẽ có ký hiệu UM ở cuối. Rất tiếc, thế hệ Core thứ 2 (Sandy Bridge) trên laptop không có ký hiệu đặc biệt nào cả, do đó bạn sẽ phải kiểm tra kỹ thông tin trước khi mua các laptop cũ có vi xử lý Sandy Bridge.
Ngoài ra, vi xử lý laptop dòng Core có 4 nhân sẽ được ký hiệu "Q". Chữ cái "H" được dùng để chỉ vi xử lý Haswell sử dụng socket BGA1364.
Hãy thử lấy thêm một ví dụ nữa: Core i7-4700HQ. Vi xử lý này thuộc dòng i7, do đó có hỗ trợ cả Turbo Boost và Hyper Threading. Đây là một vi xử lý thuộc thế hệ Core thứ 4 (Haswell), có sức mạnh thấp hơn các mẫu Core i7 khác như i7-4770 hoặc i7-4750. 2 chữ cái cuối cùng cho biết đây là một vi xử lý có lõi tứ, sử dụng socket BGA1364.
Đồ họa tích hợp của Intel
Intel có rất ít sản phẩm đồ họa tích hợp bởi nhiều vi xử lý của hãng sẽ sử dụng cùng một nhân đồ họa.
Cách đặt tên nhân đồ họa của Intel cũng rất dễ hiểu: model càng lớn thì càng mạnh mẽ hơn. Ví dụ, dù ra đời sau nhưng Intel HD 2500 có sức mạnh kém hơn HD 3000.
Với thế hệ Core thứ 4 (Haswell), Intel ra mắt đồ họa cao cấp Iris. Các nhân đồ họa mang thương hiệu Iris thực chất vẫn có mã hiệu Intel HD, ví dụ như Iris trên Core i7-4700HQ thực chất là Intel HD 4600. Iris có sức mạnh khá vượt trội so với các thế hệ Intel HD trước đó, song về thực chất không có tính năng nào mới cả.
Bạn cũng cần lưu ý rằng 2 GPU tích hợp có cùng số hiệu trên 2 model vi xử lý khác nhau của Intel sẽ có sức mạnh chênh lệnh nhau. Lý do là sức mạnh đồ họa tích hợp cũng phụ thuộc vào sức mạnh của các nhân chính. Ví dụ, Intel HD 4000 trên i7-3610QM (lõi tứ cho laptop) sẽ mạnh hơn Intel HD 4000 của Core i5-3317U (2 nhân, dành cho Ultrabook và laptop siêu mỏng).
Như vậy, các sản phẩm nhân đồ họa tích hợp của Intel sẽ có sức mạnh chênh lệch nhau: số càng lớn thì càng mạnh. Tuy vậy, bạn cũng không nên hi vọng các GPU này có thể đảm đương được các game mới hiện nay: sự khác biệt giữa 2 nhân đồ họa tích hợp sẽ là không đáng kể khi chạy game hoặc các chương trình nặng về đồ họa.
(Nguồn: VnReview)
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.