Card Màn Hình VGA Radeon XFX Rx470 4G
RX 470 cùng RX 460 là hai mẫu card đồ họa được AMD giới thiệu tại triển lãm E3 2016 vào tháng Sáu qua với nhiều thay đổi cả về công nghệ lẫn tính năng kỹ thuật. Bên cạnh RX 480 thì đây cũng là các GPU đầu tiên của AMD được sản xuất theo quy trình 14nm, áp dụng kiến trúc đồ họa Polaris mới mang lại sự thay đổi vượt bậc về hiệu suất. Cụ thể nếu so với Radeon R9 200 series thì hiệu suất cao hơn khoảng 15% xét trên mỗi đơn vị tính toán và khoảng 2,8 lần nếu tính trên mỗi watt điện năng tiêu thụ.
Như chúng ta đã biết, RX 480 hướng đến nhu cầu chơi game ở độ phân giải 1440p và trải nghiệm công nghệ thực tế ảo với chi phí vừa phải. Trong khi đó, RX 470 được AMD thiết kế cho nhu cầu chơi game ở chuẩn 1080p mà vẫn đạt ngưỡng tối ưu 60 fps (khung hình mỗi giây) với đồ họa chất lượng cao.
Vì vậy dù vẫn sử dụng nhân đồ họa Polaris 10 tên mã Ellesmere nhưng mẫu GPU tầm trung này chỉ có 32 compute unit (cụm xử lý tính toán) với tổng số stream processing unit (bộ xử lý dòng) là 2.048. Thấp hơn một chút so với RX 480 là 36 CU và 2.304 stream processing unit. Card cũng trang bị 4GB bộ nhớ GDDR5, giao tiếp 256 bit với tổng băng thông 224 GB/s, tương đương RX 480 bản 4GB GDDR5 xét về mặt bộ nhớ đồ họa.
Bên cạnh đó, RX 470 series còn được tích hợp một số công nghệ quan trọng không kém của thế hệ card mới như bộ tăng tốc giải mã video chuẩn 4K ở cấp phần cứng. Hỗ trợ đầy đủ thư viện đồ họa DirectX 12 được tích hợp sẵn trong Windows 10, OpenCL 2.0, bộ lập trình ứng dụng Vulkan. Công nghệ FreeSync có tác dụng đồng bộ tốc độ dựng hình của card với tần số quét màn hình để loại bỏ hiện tượng giật, xé hình trong những game đồ họa nặng.
Công nghệ Virtual Super Resolution xử lý chất lượng điểm ảnh, cho phép card đồ họa dựng hình game ở độ phân giải cao hơn khả năng hỗ trợ của màn hình và sau đó sẽ giảm xuống cho phù hợp với độ phân giải màn hình khi xuất tín hiệu. Hiểu một cách đơn giản thì Virtual Super Resolution sẽ dựng hình ở độ phân giải 4K và xuất nó trên màn hình Full HD.
XFX Radeon RX 470
Trở lại với XFX Radeon RX 470 thì đây là phiên bản custom được ép xung sẵn trước khi xuất xưởng cùng hệ thống tản nhiệt đặc trưng của hãng. Cụ thể xung nhịp mặc định của GPU là 1.256 MHz so với mức tiêu chuẩn 1.206 MHz của bản tiêu chuẩn. Như vậy hiệu năng sản phẩm sẽ cao hơn một chút và tốc độ xử lý đồ họa, số khung hình trong game sẽ tốt hơn một chút.
Về kích cỡ, XFX 470 chiếm hai khe gắn card mở rộng tương tự các sản phẩm cùng dòng. Tấm kim loại ốp ở mặt sau (backplate) nhằm tăng độ cứng cáp của bo mạch, bảo vệ các linh kiện bên dưới và góp phần vào việc tản nhiệt tốt hơn. Đáng tiếc là card không hỗ trợ công nghệ Crossfire nên không thể ghép nối hai card đồ họa khi người dùng cần nâng cấp về sau.
Tản nhiệt RX 470 của XFX vẫn sử dụng dạng thiết kế phổ biến Double Dissipation, kết hợp công nghệ Ghost Thermal 4.0 với các ống dẫn nhiệt làm từ chất liệu composite dùng dẫn nhiệt lên các lá nhôm xếp ken dày bên trên cùng bộ đôi quạt làm mát loại 90mm mang lại hiệu năng tốt hơn nhưng vẫn giữ độ ồn ở mức thấp. Thậm chí cả mạch cấp nguồn VRM và bộ nhớ cũng trang bị cả tản nhiệt nhằm gia tăng khả năng làm mát. Theo XFX cho biết hiệu quả làm mát của tản nhiệt mới cao hơn khoảng 40% so với thiết kế trước đây.
Các ngõ xuất tín hiệu hình ảnh gồm HDMI 2.0b và có đến 3 ngõ DisplayPort 1.4. Thông qua các kết nối tiêu chuẩn tiên tiến, RX 470 có khả năng xuất tín hiệu hình ảnh, âm thanh dạng nén lẫn không nén qua cổng HDMI với độ phân giải 4K, tần số qét 60Hz hoặc 4K HDR @120Hz qua DisplayPort.
Về số pha cấp nguồn, mẫu RX 470 sử dụng mạch nguồn 4+1 pha, đầu cắm +12V PCIe 6 chân với công suất yêu cầu chỉ 120W. Như vậy, bạn không phải lo lắng về mức công suất yêu cầu của card vượt quá khả năng cấp nguồn tối đa (75W, theo lý thuyết) của khe PCI Express như với mẫu card tham chiếu RX 480 của AMD vừa qua.
Hiệu năng
Kết quả PCMark 8 Creative dùng đánh giá hiệu năng tổng thể và 3DMark Time Spy đo hiệu năng đồ họa Direct X 12.
Về phần hiệu năng thì mình sẽ có bài đánh giá chi tiết trong thời gian tới. Tuy nhiên qua một vài phép thử nhanh với PCMark 8 và 3DMark trên cấu hình nền tảng AMD AM3+ với chip FX-8730, hiệu năng Radeon RX 470 khá tốt và chỉ thấp hơn một chút so với mẫu card tham chiếu RX 480 mình từng thử nghiệm.
So sánh hiệu năng đồ họa giữa XFX RX 470 (trái) và AMD RX 480 (phải).
Cụ thể hơn trong công cụ benchmark 3DMark Fire Strike, cấu hình thử nghiệm đạt 8.385 điểm tổng thể và riêng Graphic đạt 11.569 điểm, chỉ thấp hơn khoảng 4,2% so với RX 480 (đạt 12.077 điểm). Với phép thử mới TimeSpy được thiết kế nhằm khai thác sức mạnh bộ thư viện DirectX 12, hệ thống đạt 3.491 điểm, trong đó đồ họa đạt 3.535 điểm và CPU là 3.262 điểm.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.